Nhắc đến Emirates Stadium hôm nay, người ta dễ bị choáng ngợp bởi vẻ hoành tráng, hiện đại và danh xưng “tấm thảm” – mặt sân bậc nhất châu Âu mà bất cứ CLB nào cũng mơ có được.
Nhưng ít ai còn nhớ rằng, để đặt những viên gạch đầu tiên cho pháo đài này, Arsenal từng đổ mồ hôi, đánh đổi niềm tin, chia rẽ nội bộ và gánh nợ đầm đìa suốt hơn một thập kỷ.

Bắt đầu từ Highbury và những ngày đen tối
Những năm 1980-1990, khi cả bóng đá Anh lẫn Arsenal chao đảo vì bạo lực hooligan, thảm họa sân cỏ và quy định khắt khe của Chính phủ, Highbury – ngôi nhà huyền thoại – bỗng trở thành gánh nặng. Đạo luật buộc các CLB phải nâng cấp toàn bộ ghế ngồi để đảm bảo an toàn, trong khi Highbury lại bó hẹp trong khu dân cư chật chội, khiến mọi kế hoạch mở rộng đều vấp phải phản đối kịch liệt.
Cú sốc mang tên “trái phiếu 150 năm” để cứu North Bank Highbury cũng chẳng êm đẹp gì. Người hâm mộ từng lên án BLĐ vì biến đặc quyền cổ vũ thành món hàng xa xỉ, đẩy những CĐV trung thành vào cảnh phải bán cả kỷ niệm để giữ chỗ ngồi quen thuộc.
Thời điểm ấy, ban lãnh đạo Arsenal đã cân nhắc mọi phương án: tái thiết Highbury, thuê sân Wembley, thậm chí đàm phán mua đứt Wembley. Nhưng tất cả đều bế tắc vì yếu tố pháp lý, di tích lịch sử, hay quyền lợi liên quan đến kế hoạch World Cup 2006 của Anh.
Khi Highbury được xếp hạng di tích, chuyện đập đi xây lại trở thành bất khả thi. Giấc mơ về một “Highbury mới” khép lại, để rồi BLĐ Pháo thủ quyết định nhắm đến Ashburton Grove – một khu công nghiệp ô nhiễm, nơi nhiều CĐV chưa từng dám nghĩ sẽ mọc lên một “thánh đường bóng đá”.
Nhưng chuyển địa điểm chỉ là phần dễ nhất. Arsenal khi đó vẫn là CLB tự nuôi mình bằng bóng đá. Không có tiền nhà nước, không được trợ giá như các CLB Pháp hay Đức, họ phải tự gánh mọi rủi ro. Hàng chục triệu bảng kiếm được từ việc bán Nicolas Anelka, Marc Overmars, Petit… đều được bơm vào quỹ xây sân mới.
Arsène Wenger không chỉ đóng vai HLV, mà còn như một bảo chứng sống để ngân hàng chịu mở hầu bao. Ông hiểu rằng Emirates sẽ đổi đời cho Arsenal, nhưng cũng chôn chân đội bóng của ông trong cảnh “thắt lưng buộc bụng” ít nhất một thập kỷ.
Nhiều người vẫn nhắc về buổi lễ khánh thành Emirates dưới sự chứng kiến của Hoàng thân Philip thay mặt Nữ hoàng Anh. Đó là cột mốc quan trọng để Arsenal vươn mình trở thành thế lực có tầm vóc châu lục, có thể ngồi chung mâm tài chính với Manchester United hay Bayern Munich.
Nhưng sự thật ít ai biết, sau tấm biển khánh thành, BLĐ Arsenal còn phải ký cả trăm giấy vay, phát hành trái phiếu, bán quyền đặt tên sân và tài trợ áo đấu cho Emirates Airlines kéo dài đến tận 2028. “Mồ hôi” không chỉ nhỏ trên sân cỏ, mà còn đổ ra trên từng bản hợp đồng khổng lồ để trả nợ ngân hàng.
Đổi lại, Arsenal chấp nhận hy sinh tham vọng chuyển nhượng suốt nhiều năm. Thay vì vung tiền mua siêu sao, Wenger phải đào tạo cầu thủ trẻ, bán đi những cái tên trụ cột đúng lúc để cân bằng sổ sách. Đó là lý do CĐV “Pháo thủ” không bao giờ quên giai đoạn “mua rẻ bán đắt” với Adebayor, Fabregas, Nasri, Van Persie…

Emirates – hơn cả một sân vận động
Điều làm nên giá trị thật sự của Emirates không chỉ là sức chứa hơn 60.000 chỗ, hay chất lượng mặt sân được gọi là “The Carpet”. Nó là biểu tượng cho khả năng tự đứng vững của Arsenal, giữa kỷ nguyên bóng đá đầy tiền tấn từ các tỷ phú dầu mỏ, tập đoàn khổng lồ, hay những quỹ đầu tư xa lạ.
Nhiều CLB giàu lên nhờ bầu sữa ngoại, nhưng Arsenal có Emirates nhờ mồ hôi người cũ. Các bức tượng Henry, Adams, Bergkamp… bao quanh sân, vòng tay khép lại như lời nhắc nhở: “Pháo thủ” không phải là CLB ăn xổi hay được dựng lên chỉ vì dầu mỏ.
Hàng loạt chi tiết “Arsenalisation” (Arsenal hóa) – như chiếc đồng hồ từ Highbury, các cầu thang mang tên huyền thoại, những bức tranh tường về chuỗi 49 trận bất bại… đều là sợi dây kéo các thế hệ CĐV xích lại gần nhau hơn trong “ngôi nhà mới”.
Nợ Emirates đã và đang được trả dần, nhưng không có nghĩa Arsenal sẽ quên quãng thời gian “chắt bóp” suốt giai đoạn 2006–2016. Họ từng thấm thía cảnh bán Van Persie sang MU, nhìn Fabregas trở lại Chelsea hay Alex Song ngồi dự bị tại Barcelona.
Nhưng chính những hy sinh ấy mới giúp “Pháo thủ” tồn tại đến ngày hôm nay, để có được đội hình trẻ trung, giàu tham vọng dưới tay Mikel Arteta. Emirates không chỉ là sân vận động, mà còn là lời nhắc: mọi vinh quang bền vững đều phải trả giá.
Hơn 15 năm trôi qua, “The Grove” trở thành pháo đài – nơi Arsenal dám mơ lại giấc mơ ngôi vương Premier League. Và với những tấm bảng nghệ thuật mới treo lên bên ngoài sân, với cơn khát danh hiệu vẫn rực cháy trong từng CĐV, Emirates sẽ mãi là minh chứng cho tinh thần: đổ mồ hôi, gánh nợ, nhưng không bao giờ gục ngã.
Ngày Emirates Stadium mọc lên giữa lòng Bắc London, Arsenal chấp nhận trả giá bằng máu, mồ hôi và những năm tháng bị chỉ trích là keo kiệt, thiếu tham vọng. Nhưng cũng nhờ sự hy sinh ấy, “Pháo thủ” mới có được pháo đài khang trang, bệ phóng cho một thế hệ tài năng đang hồi sinh giấc mơ ngôi vương.
Emirates hôm nay không chỉ là mái nhà của Arsenal, mà còn là minh chứng cho một triết lý: vinh quang thật sự phải được xây từ gốc rễ, bằng chính những người tin và giữ lửa.
Nguồn tin: Bongdalu